1. Báo Tuổi trẻ ra ngày 09/10/2015 đã đăng bài viết “Năng suất lao động Việt Nam: Nửa thế kỷ nữa mới bắt kịp Thái Lan” trích số liệu từ Báo cáo của Bộ Kế hoạch-Đầu tư trình chính phủ. Theo bài báo này thì trong 10 năm từ 2005 – 2014, năng suất lao động của Việt Nam tăng bình quân 3,7%/năm, và giả định các nước vẫn duy trì liên tục tốc độ tăng trưởng năng suất lao động bình quân như giai đoạn này thì phải đến năm 2069 – tức là hơn nửa thế kỷ nữa Việt Nam mới bắt kịp năng suất lao động của Thái Lan. Nguyên nhân chính của sự yếu kém này là tỷ trọng lao động trong khu vực nông- lâm-ngư nghiệp còn khá cao (46%) nhưng chỉ tạo ra 18,1% GDP; trong khi đó cả nước chỉ có 9,6 triệu người được đào tạo chuyên môn, kỹ thuật (từ 3 tháng trở lên) trong tổng số 52,7 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên đang có việc làm năm 2014, như vậy có đến 81,8% tổng số lao động đang có việc làm chưa được đào tạo trình độ chuyên môn sơ cấp! Nhưng theo số liệu thống kê khác của Viện nghiên cứu lao động và xã hội, đến cuối quý I năm 2015 cả nước có gần 178.000 cử nhân và thạc sỹ và gần 100.000 cao đẳng đang thất nghiệp, lần lược tăng 10% và 26% so cùng kỳ năm 2014.
Đối chiếu 2 thông tin trên sẽ thấy một điều cực kỳ mâu thuẫn đang xảy ra trên đất nước ta: người đang có việc làm thì không được đào tạo (chủ yếu là nông dân) trong khi người đã được đào tạo trình độ cao lại thất nghiệp với tốc độ ngày càng tăng! Thực trạng này tất yếu dẫn đến kết quả như nêu trên: năng suất lao động của Việt Nam xếp vào nhóm thấp nhất các nước ASEAN. Theo tôi, nguyên nhân cơ bản của tình hình trên là do nền kinh tế thị trường còn nhiều hạn chế của nước ta chưa tạo được một cộng đồng doanh nghiệp mạnh, hoạt động khởi nghiệp chưa được đầu tư, phát triển đúng hướng.