Trong những năm qua, các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh đã triển khai, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào trong công tác quản lý, dạy và học. Hiện có 200 trường học có triển khai sử dụng sách giáo khoa điện tử; 90 trường học triển khai xây dựng ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm, xây dựng được 249.666 câu hỏi trắc nghiệm.
Hàng năm có trên 147 nghìn bài giảng điện tử, 87 trường học triển khai xây dựng kho bài giảng e-learning; 12 trường học triển khai thư viện số; 38 trường học triển khai sử dụng phần mềm thí nghiệm ảo; 71 trường học có triển khai sử dụng hệ thống kiểm tra, đánh giá trực tuyến, 37 trường học có triển khai sử dụng phần mềm xếp thời khoá biểu.
Trong thời gian nghỉ học ở trường vì dịch bệnh COVID-19 có 33,9% học sinh THCS, 97,08% học sinh THPT tham gia học trực tuyến. Chất lượng dạy học trực tuyến đã được nâng cao, các nhà trường thực hiện nghiêm túc quy định của Bộ GD&ĐT về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến.
Thực hiện Nghị quyết số 51 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIX về chuyển đổi số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, Sở GD&ĐT đã thành lập Ban chỉ đạo Chuyển đổi số ngành GD&ĐT tỉnh Yên Bái; ban hành kế hoạch Chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025, định hướng 2030 của ngành; rà soát cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, năng lực, trình độ chuyển môn của đội ngũ cán bộ, giáo viên...
Để thực hiện chuyển đổi số trong giai đoạn tới, ngành GD&ĐT xác định đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hàng ngày đối với mỗi nhà giáo, mỗi người học. Đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý, điều hành dựa trên công nghệ và dữ liệu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và chất lượng cung cấp dịch vụ hỗ trợ của Nhà nước và các cơ sở giáo dục.
Trong đó, đề ra một số nhiệm vụ giải pháp, đó là: nâng cao nhận thức cho cán bộ giáo viên, học sinh trong toàn ngành; thực hiện tốt các quy định hiện hành trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số; xây dựng, phát triển dữ liệu số; tập trung các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu ứng dụng trong quản lý và dạy học ở tất cả các cơ sở giáo dục trong tỉnh; phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Đô thị thông minh của tỉnh; phát triển nhân lực số; thay đổi việc quản trị từ Sở đến các nhà trường; tập trung thực hiện thí điểm chuyển đổi số tại 2 đơn vị Trường THCS Quang Trung, THPT chuyên Nguyễn Tất Thành...Tại Hội thảo, lãnh đạo Sở TT-TT, đại diện các tập đoàn VNPT, Viettel, Microsoft tại Việt Nam đã tham vấn cho ngành GD&ĐT tổng quan về chuyển đổi số, định hướng chuyển đổi số trong ngành GD-ĐT trong thời gian tới; chuyển đổi số trong thế giới thay đổi và chương trình giáo dục Microsoft tại Việt Nam; góc nhìn về chuyển đổi số trong giáo dục; kết quả phối hợp thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, số hóa thông tin của ngành GD&ĐT trong thời gian qua...
Cũng tại Hội thảo, đại diện các trường học trên địa bàn tỉnh cùng trao đổi về những thuận lợi và khó khăn trong việc chuyển đổi số tại đơn vị.
Phát biểu kết luận Hội thảo, lãnh đạo Sở GD&ĐT khẳng định chuyển đổi số bắt đầu ý chí của những người đứng đầu của từng đơn vị quyết tâm thực hiện; đồng thời mỗi thầy cô giáo phấn đấu tự học tự nghiên cứu, nhận thức đầy đủ kiến thức chuyển đổi số áp dụng vào công tác quản lý và dạy học; tìm phương thức phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đơn vị…
Sở cũng mong muốn có cơ sở pháp lý trong thực hiện chuyển đổi số trong ngành GD&ĐT đồng thời mong muốn các sở, ngành liên quan đồng hành cùng ngành GD&ĐT trong chuyển đổi số. Sở cũng sẽ chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tham mưu đề xuất các giải pháp, chính sách thực hiện. Các cơ sở giáo dục cần nâng cao nhận thức về chuyển đổi số đối với cán bộ, giáo viên trong toàn ngành…