Những dự án khởi nghiệp xuất sắc từ cuộc thi INNOBE 2024
Trao giải nhất bảng học sinh cho mô hình “Chế tạo màng nhựa sinh học thân thiện với môi trường từ bã cafe và tinh bột sắn Việt Nam” của Trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt (Kiên Giang).
Kết quả bảng học sinh, dự án mô hình “Chế tạo màng nhựa sinh học thân thiện với môi trường từ bã cafe và tinh bột sắn Việt Nam” của Trường Trung học phổ thông chuyên Huỳnh Mẫn Đạt (Kiên Giang) đoạt giải Nhất; dự án “Gốm không nung từ cellulose của thân cây chuối và calcium carbonate của vỏ ốc bươu vàng” của Trường Trung học phổ thông Long Tây (Hậu Giang) giải Nhì; giải Ba thuộc về dự án “Thịt chay từ vỏ sầu riêng” của Trường Trung học phổ thông Huỳnh Tấn Phát (Bến Tre).
Bảng sinh viên, giải Nhất thuộc về dự án “Áo giáp hạt giống” của Trường Đại học Cần Thơ; hai dự án “Sản xuất gỗ nhân tạo từ rơm”, “Lucbinhgauze - băng gạc sinh học từ cây lục bình” của Trường Đại học Trà Vinh lần lượt đoạt giải Nhì và giải Ba.
Cùng đó, tại mỗi bảng, Ban Tổ chức còn trao 2 giải khuyến khích, 2 giải triển vọng, 2 giải tiềm năng và giải chuyên đề cho các dự án.
Mô hình giàn rau thuỷ canh công nghệ cao Hytertech của Trường Đại học Kiên Giang dự thi.
Cuộc thi năm nay thu hút 79 dự án khoa học công nghệ trên các lĩnh vực nông nghiệp, chế biến - chế tạo, sinh học, dược liệu, ứng phó biến đổi khí hậu, giao thông, môi trường… đến từ các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và trung học phổ thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tham gia dự thi. Trong đó, bảng sinh viên có 54 dự án của 14 trường cao đẳng, đại học và bảng học sinh có 25 dự án của 12 trường trung cấp, trung học phổ thông. Qua hai vòng thi, Ban tổ chức đã chọn ra 52 dự án xuất sắc nhất để bước vào vòng chung kết.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành- Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Kiên Giang chia sẻ, cuộc thi “Ý tưởng học sinh, sinh viên khởi nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024”, nhằm mang đến một sân chơi bổ ích cho các bạn trẻ thể hiện tài năng, phát huy năng lực sáng tạo, cũng như học hỏi thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý giá cho hành trình khởi nghiệp của mình. Mỗi dự án tham gia tranh tài không chỉ là một sản phẩm sáng tạo mà còn thể hiện sự nỗ lực, khát vọng và tinh thần cống hiến của học sinh, sinh viên đóng góp vào sự phát triển bền vững vùng châu thổ sông Cửu Long.
“Với triết lý giáo dục gắn liền với cộng đồng, Trường Đại học Kiên Giang luôn cam kết đồng hành cùng các sáng kiến khởi nghiệp, tiếp tục tạo điều kiện để các ý tưởng từ cuộc thi hôm nay được hiện thực hóa, góp phần mang lại những giá trị bền vững cho xã hội”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh.
Tại vòng Chung kết, các đội thi của mỗi bảng học sinh và sinh viên thực hiện trưng bày, giới thiệu sản phẩm; thuyết trình nhanh 2 phút; hỏi đáp, chất vấn trong 5 phút của Hội đồng Giám khảo.
Sinh viên Quách Văn Sang, ngành công nghệ thông tin, thành viên dự án “Mô hình trồng rau thủy canh thông minh Hytertech” của Trường Đại học Kiên Giang chia sẻ, dự án này hướng tới phát triển hệ thống trồng rau thông minh, sử dụng công nghệ hiện đại tối ưu hóa quá trình trồng rau sạch. Mục tiêu của dự án là cung cấp hệ thống trồng rau sạch và thông minh cho người tiêu dùng, đồng thời bảo vệ môi trường. Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp này tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, trải nghiệm thực tế để xây dựng ý tưởng và tìm ra con đường lập nghiệp trong tương lai.
Học sinh Trường THPT Huỳnh Tấn Phát, tỉnh Bến Tre thi thuyết trình mô hình “Thịt chay từ vỏ sầu riêng”.
Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, Thạc sĩ Lê Hòa Nhã, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư HVA nêu, Ban Giám khảo đánh giá cao sự đa dạng và sáng tạo trong các dự án. Các thí sinh thể hiện sự nhạy bén trong việc xác định vấn đề xã hội và thị trường, từ đó, đề xuất những giải pháp đột phá. Nhiều dự án đã gây ấn tượng bởi khả năng áp dụng công nghệ hiện đại và tư duy đổi mới không chỉ trong các lĩnh vực như nông nghiệp, môi trường, y tế, mà còn ở lĩnh vực năng lượng.
Theo Hội đồng Giám khảo, điểm sáng khác là nhiều dự án không chỉ dừng lại ở ý tưởng mà đã có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, lên kế hoạch triển khai thực tế, thử nghiệm sản phẩm và đã thương mại hóa được sản phẩm. Điều này chứng tỏ các thí sinh không chỉ sáng tạo mà còn có tư duy thực tiễn, nắm bắt được nhu cầu của thị trường và xã hội. Mặt khác, nhiều dự án đã gắn liền với các mục tiêu phát triển bền vững, như bảo vệ môi trường, tăng cường giáo dục và cải thiện chất lượng sống cho cộng đồng. Đây là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy các bạn trẻ không chỉ tập trung vào lợi nhuận mà còn quan tâm đến trách nhiệm xã hội trong khởi nghiệp.
Tuy nhiên, “một số dự án vẫn còn thiếu dữ liệu thực tiễn để chứng minh tính khả thi và mức độ cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ. Một số đội cần đầu tư thêm vào việc xây dựng lộ trình phát triển chi tiết và kế hoạch tài chính rõ ràng hơn. Dù có nhiều ý tưởng sáng tạo, nhưng mức độ ứng dụng công nghệ trong thực tế ở một số dự án vẫn còn hạn chế, cần được đầu tư và phát triển thêm” - Thạc sĩ Lê Hòa Nhã nhấn mạnh.
Nguồn trích dẫn
Bài viết được trích dẫn từ:
- Nguồn: Tin Tức Thông Tấn Xã Việt Nam
- Tin, ảnh: Lê Huy Hải (TTXVN)
Xem bài viết gốc ở đường link bên dưới...