Tối ngày 16/09/2021 Công ty TNHH EDUZ phối hợp nhóm Chuyên gia Chuyển đổi số tổ chức Talkshow chuyên đề : DẠY HỌC TRỰC TUYẾN: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP đã diễn ra thành công tốt đẹp.
Dự và chủ trì buổi Talkshow gồm có Chuyên gia công nghệ dạy học – Thầy Phạm Xuân Thanh; Tiến sĩ Lê Thị Hoài Lan – Trường Đại học Đồng Nai; Thạc sĩ Vũ Thị Thanh Thảo, Trường Đại học Sư phạm Kỹ Thuật Tp. Hồ Chí Minh; Nghiên cứu sinh Bùi Thị Giáng Hương, Trường Đại học Sài Gòn cùng với sự tham gia của Ban Giám hiệu, các thầy cô đến từ Trường Đại học Bình Dương, Trường Đại học Đồng Nai, Trường Cao đẳng Kinh tế – Công nghệ Tp. Hồ Chí Minh, các Trường Tiểu học, THCS, THPT thuộc tỉnh Đồng Nai và Bình Dương.
Trong giới hạn của buổi Talk show, nhóm Chuyên gia Chuyển đổi số đã chia sẻ những thực trạng và nguyên nhân khiến dạy học trực tuyến trở nên khó khăn mà các cơ sở giáo dục hiện nay đang gặp phải. Đồng thời nhóm Chuyên gia cũng lắng nghe các thắc mắc từ phía Ban giám hiệu, Cán bộ Quản lý, và các thầy cô về cách thức khắc phục, phương pháp và trọng tâm của chuyển đổi số giáo dục. Từ đó, nhóm Chuyên gia đã phân tích và nêu các hướng tư duy đúng đắn về chuyển đổi số giáo dục, không đánh đồng và nhầm lẫn khái niệm giữa “chuyển đổi số giáo dục” với “dạy học trực tuyến”.
Dạy học trực tuyến hiệu quả là sự kết hợp một cách có chọn lọc giữa yếu tố công nghệ và yếu tố sư phạm. Vì vậy, muốn nâng cao năng lực giảng dạy trực tuyến của giáo viên, đừng chỉ tập trung vào nâng cao năng lực công nghệ, mà còn phải làm rõ bản chất của học tập trực tuyến để thiết kế các hoạt động học và lựa chọn các công cụ công nghệ phù hợp. Tương tự, vì chúng ta đang xem “dạy học trực tuyến” là giải pháp tình thế, mà không gắn nó vào trong cuộc cách mạng “chuyển đổi số giáo dục”. Cho nên, áp lực về chất lượng đào tạo đang đè nặng lên tâm lý của mỗi giáo viên. Họ quá mệt mỏi khi vừa phải bỏ thời gian, công sức để tìm hiểu một mô hình dạy học mới, lại vừa phải chịu trách nhiệm về chất lượng của mô hình dạy học mới này.
Có như thế mới thấy được tầm quan trọng của một hệ thống đào tạo số. Nó giúp hình thành năng lực tự học của người học và từ đó chất lượng đào tạo được đảm bảo, chia sẻ áp lực không chỉ cho giáo viên mà còn cả đơn vị đào tạo. Nhìn xa hơn, nó đang giúp tạo ra môi trường để thế học sinh sinh viên chúng ta tiến tới công dân số toàn cầu.