Tổng quan về quản lý chất lượng toàn diện TQM
Tổng quan về TQM
Hệ thống quản lý chất lượng toàn diện TQM được định nghĩa theo John L. Hradesky là một quá trình phát hiện và không ngừng cải tiến hoặc giảm thiểu, loại bỏ các sai phạm phát sinh trong quá trình sản xuất, hướng đến tinh gọn hóa chuỗi quy trình cung ứng tạo ra sản phẩm thỏa mãn khách hàng.
Có thể thấy TQM bao gồm một tập hợp các nỗ lực để duy trì, phát triển và cải tiến chất lượng của các bộ phận trong tổ chức, phấn đấu vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thực hiện TQM như một công cụ toàn diện để thực hiện hóa các mục tiêu chuất lượng bằng cách sử dụng một hệ thống quản trị thống nhất, huy động sự tham gia của mọi cá nhân trong tổ chức, tập trung vào khách hàng, hướng đến quá trình chung về chất lượng sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp.
Các yếu tố cốt lõi của Quản lý chất lượng toàn diện (TQM) trong doanh nghiệp
Yếu tố của TQM
Cải tiến liên tục
Áp dụng TQM vào doanh nghiệp sẽ mở ra những cơ hội mới thay đổi quy trình hoạt động để giảm thiểu các lỗi sai. Để duy trì sự thành công của TQM, các hoạt động cải tiến phải được thực hiện liên tục một cách triệt để.
Tiếp cận theo cách chiến lược
Khi triển khai TQM, các phương pháp thực hiện cần đi đúng theo định hướng chung của doanh nghiệp, được điều chỉnh theo đúng tầm nhìn và mục tiêu đã thống nhất trong tổ chức, phù hợp với văn hóa doanh nghiệp.
Hướng vào khách hàng
Trong TQM, khách hàng là mục tiêu kinh doanh và động lực để doanh nghiệp xây dựng và phát triển kinh doanh. Việc thu thập ý kiến phản hồi của khách hàng phải được theo dõi chặt chẽ qua nhiều phương thức tiếp cận khác nhau.
Sự tham gia của mỗi cá nhân
Mô hình TQM không chỉ tập trung vào gia tăng lợi ích tài chính của doanh nghiệp, TQM còn là công cụ hữu hiệu khơi dậy lòng trung thành, thúc đẩy năng lực làm việc của mỗi cá nhân trong tổ chức. Mỗi nhân viên trong doanh nghiệp cần hiểu rõ mục đích và trách nhiệm thực hiện trong suốt quá trình áp dụng TQM vào doanh nghiệp.
Lấy quy trình làm trung tâm
Khi thực hiện TQM, doanh nghiệp cần có các quy trình cụ thể để thực hiện hóa TQM, điều chỉnh các hiến lược của công ty và bám sát quá trình thực hiện quản lý chất lượng.
Ổn định cơ cấu tổ chức
Để triển khai TQM hiệu quả, các phòng ban không chỉ hoạt động một cách riêng lẻ mà cần có sự gắn kết học hỏi lẫn nhau và tinh chỉnh trong quá trình cùng nhau làm việc để ổn định cơ cấu tổ chức, thống nhất mục tiêu trong doanh nghiệp.
Truyền đạt chính xác
Sự truyền tải thông tin chính xác, rõ ràng trong nội bộ doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với khách hàng góp phần thu thập các phản hồi một cách xác thực, cải tiến hiệu quả quy trình trong doanh nghiệp.
Quy trình áp dụng TQM vào doanh nghiệp với 5 bước
Áp dụng TQM
1. Kiểm tra công tác quản lý
Mục tiêu đầu tiên của doanh nghiệp khi thực hiện TQM là kiểm soát các hoạt động quản lý để nắm rõ các quy trình đang tồn tại trong doanh nghiệp, định hình được những phương hướng, mục tiêu khi ứng dụng công cụ quản lý này. Do đó, doanh nghiệp khi triển khai TQM cần phải xác định các quy trình quản lý từ nhỏ nhất cho đến các giai đoạn thiết kế, triển khai và cải tiến liên tục các quy trình cụ thể.
2. Xác định các mục tiêu chất lượng tiên quyết
Doanh nghiệp khó có thể nhận ra và đánh giá khách quan mức độ hiệu quả của các hoạt động cải tiến khi không có những mục tiêu cụ thể. Thông qua các yếu tố định lượng như phép tính, số lượng, biểu đồ, đồ thị, doanh nghiệp có thể dễ dàng phản ánh tác động của TQM lên quy trình sản xuất và đo lường sự thành công của mô hình này.
3. Điều chỉnh các quy trình phù hợp với nhu cầu kinh doanh
Một doanh nghiệp khi áp dụng TQM cần xem xét kĩ lưỡng các quy trình hiện hành trong tổ chức, điều chỉnh các quy trình đó bằng các quy tắc, công cụ thực thi hoặc kỹ năng của nhân viên. Doanh nghiệp cần phải xây dựng các quy trình thích hợp bằng các phương thức khác nhau để có thể tiếp cận, thu thập phản hồi từ phía khách hàng và xử lý đánh giá do mọi tương tác với doanh nghiệp đều góp phần tạo cơ hội củng cố lòng trung thành của khách hàng.
4. Đánh giá chính xác nhất vai trò của luồng thông tin
Thông tin dữ liệu là bằng chứng phản ánh chính xác nhất về tình hình tổ chức. Doanh nghiệp cần có nhận thức đúng đắn về vai trò của thông tin dữ liệu trong quá trình cải thiện chất lượng sản phẩm dịch vụ. Thông thường, các phản hồi thông tin thu thập từ khách hàng và nhân viên đóng vai trò rất quan trọng để thay đổi các quy trình và định hướng hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần thu thập và phân tích đầy đủ, chính xác các dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau để làm căn cứ đưa ra các quyết định quản trị phù hợp với thực tế.
5. Xây dựng niềm tin từ nhân viên
Quy trình quản trị chất lượng toàn diện được thực hiện đúng là phải luôn được duy trì trong suốt thời gian hoạt động của tổ chức, gắn liền với toàn bộ thời gian làm việc của nhân viên. Hoạt động này giúp mỗi nhân viên trong doanh nghiệp xây dựng được niềm tin vững vàng hơn vào những định hướng kinh doanh của công ty và tin vào chính những sản phẩm mà họ làm ra. Đây cũng chính là động lực cho doanh nghiệp thực hiện phương thức quản trị chất lượng phát triển một cách bền vững và toàn diện.
Hi vọng qua bài viết trên bạn đã có một cái nhìn chính xác nhất về quy trình áp dụng TQM vào doanh nghiệp cũng như hiểu rõ các khái niệm, quy tắc cốt lõi hình thành nên mô hình TQM. Nhờ vào việc thực hiện quy trình triển khai TQM chuẩn xác, doanh nghiệp sẽ dễ dàng có bước những bước tiếp cận phù hợp, đạt được những lợi ích từ việc thực hiện TQM hiệu quả.