Hằng năm, tại mảnh đất Hậu Giang - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh, chị Võ Thị Phương Trang vẫn không quên ôn lại truyền thống vẻ vang của gia đình. Đồng thời, nhắc nhở bản thân phải tích cực tham gia vào nhiệm vụ phát triển kinh tế địa phương.
Rượu Út Tây
Chị Võ Thị Phương Trang - Đại diện Cơ sở Cơ sở sản xuất rượu thủ công truyền thống Út Tây
Chuyện kể về các gương anh hùng dũng cảm kiên trung, cùng tình yêu mãnh liệt với quê hương đất nước đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho bao thế hệ. Không chỉ là nhằm hoài niệm về quá khứ, đó còn là động lực hướng tới tương lai, giúp con cháu mai sau vững bước, phấn đấu trong thời bình. Sinh ra vào thời chiến, chị Võ Thị Phương Trang (SN 1971) quê tại xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang (trước đây thuộc tỉnh Chương Thiện, tên một tỉnh cũ Miền Nam, tồn tại từ năm 1961 đến 1975), vốn là thành viên của một gia đình có truyền thốngkháng chiến.
Vùng Phụng Hiệp từng là căn cứ địa của lực lượng cách mạng địa phương, nên gánh chịu rất nhiều bom đạn của thế lực thù địch trong kháng chiến. Ký ức về thời kỳ đấu tranh ác liệt dường thư đã “thấm” vào từng thớ đất lẫn suy nghĩ của con người nơi đây, khiến họ thêm phần trân trọng và ghi nhớ công lao của thế hệ cha ông. Trưởng thành trong giai đoạn hàn gắn vết thương sau chiến tranh, cuộc sống gia đình chị Trang cũng như phần lớn bà con lúc bấy giờ vô cùng khó khăn.
Chị cho biết, “Thời điểm ấy, người dân nơi tôi ở mù chữ rất nhiều, đường xá nông thôn cũng chưa thuận lợi. Giao thông đường thủy chủ yếu bằng ghe xuồng tam bản. Lo ngại đi lại đường xa, nhiều nguy hiểm, vả lại bà con quan niệm cái “táo” dùng để đong lúa chứ không ai đong chữ cho nên chỉ hướng cho con cái đi làm ruộng rẫy, cả xóm chỉ có vài gia đình cho con đi học”.
Nhận thấy tầm quan trọng của học vấn, mặc dù gia đình tương đối đông con, cha mẹ chị Trang vẫn cố gắng cho con cái thông thạo mặt chữ. Tất cả anh chị em trong nhà đều tốt nghiệp Trung học Phổ thông. Riêng chị Trang thì tiếp tục thi vào Trường Trung học Y tế Cần Thơ (tốt nghiệp năm 1993), rồi làm công tác ở Ủy Ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em tỉnh Cần Thơ. Tại đây, chị phụ trách chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em từ năm 1994 - 1997.
Cơ duyên đến với nghề y vốn được chị ấp ủ từ nhỏ thông qua một người cô trong gia đình. “Trong một lần lúc cô Út của tôi bị bệnh, ông nội tôi chở cô đến Trạm xá chích thuốc. Do năng lực chuyên môn không cao, nên nhân viên y tế vô tình làm tổn thương dây thần kinh tọa, khiến cô Út bị liệt bên chân,” chị Trang kể lại. Nhìn người cô còn trẻ lại phải mang thương tật trong người, đưa cháu gái nhỏ nhắn khi đó mặc dù chỉ nghe kể lại nhưng cũng dần nhen nhóm trong đầu suy nghĩ muốn trở thành y sĩ giúp đời. Chị hoài niệm, “Trong gia đình, tôi rất thương cô Út. Có lẽ niềm yêu thích đối với nghề y, chăm sóc sức khỏe, cống hiến cho mọi người cũng cô truyền sang cho tôi”.
Được biết, cô của chị Trang từng tham gia kháng chiến, công tác tại Văn phòng Công an huyện ủy Long Mỹ. Sau đó Cô được phân công đi học lớp y tá, nhưng không may vừa hoàn thành khóa học, trên đường đi nhận công tác, bị trực thăng địch phát hiện, cô hy sinh, mất năm 1962. Hình ảnh người phụ nữ vượt qua bệnh tật, kiên cường với khát khao cống hiến dường như chưa lúc nào xóa nhòa trong tâm khảm chị Trang. Có thể xem việc lựa chọn nghề y (sau này là làm kinh tế) chính là lời tri ân, tiếp nối ước mơ cống hiến còn đang dang dở.
Tiếp bước truyền tốt đẹp của gia đình, cả anh Lê Quang Anh và chị Võ Thị Phương Trang đều đang tham gia tích cực vào quá trình phát triển kinh tế quê hương
Bên cạnh đó, chị Trang còn có người bác từng đi tập kết ra Bắc, được đưa sang du học ở Liên Xô (Nga ngày nay) và lần lượt được bổ nhiệm làm Giám đốc xưởng pin con Ó, con Mèo tại TPHCM thời gian sau giải phóng. Cha chị Trang cũng từng công tác ở Ban Binh Vận tỉnh Cần Thơ, bị thương trở về địa phương, nhưng vẫn tham gia phát triển kinh tế, để lại trong tim mọi người hình ảnh một thương binh vượt qua mọi khó khăn đóng góp cho tổ quốc. Hai người cô khác của chị cũng có chồng là cán bộ Cách Mạng. Bà ngoại chị cũng là một bà Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Xuất thân từ gia đình có truyền thống vẻ vang như vậy, bản thân chị thừa hiểu phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa để kế thừa và tiếp tục góp phần phát triển địa phương. Tuy nhiên, làm việc ở Ủy Ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em đến năm 1997, gia đình chị gặp khó khăn về mặt kinh tế. “Lương trung cấp y tế quá ít nên tôi buộc lòng phải chuyển sang phối hợp cùng chồng gầy dựng thương hiệu rượu truyền thống Út Tây,” chị Trang chia sẻ.
Tuy khác với nghề nghiệp ban đầu nhưng công việc này vẫn giúp chị duy trì định hướng cống hiến hết mình cho cộng đồng. Chị biết bản thân chưa được kiện toàn về chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực khởi nghiệp với nghề sản xuất truyền thống vô cùng khó khăn. Việc quản trị sản xuất, kinh doanh đòi hỏi người đứng đầu phải có nhiều kiến thức và kỹ năng, nên chị không ngừng học hỏi, trao dồi kiến thức để hoàn thiện bản thân, cùng chồng phát triển nghề truyền thống.
Chồng chị Trang, anh Lê Quang Anh (tên thường gọi Út Tây) là thế hệ thứ năm trong gia đình nhiều thế hệ ở Hậu Giang, Cha của Út Tây lớn lên từ lò luyện võ gia truyền, Ông để lại cho Út Tây nhiều bài thuốc rượu quý bên cạnh đó gia đình anh còn có bí quyết cất rượu nếp tuyệt hảo. Hiểu rõ giá trị văn hóa truyền thống, nguồn tài nguyên bản địa dồi dào và tiềm năng của các dòng rượu truyền thống, vợ chồng chị Trang đã đầu tư thời gian, nỗ lực nghiên cứu, phát triển sản phẩm. Nhờ kết hợp giữa kiến thức truyền thống và công nghệ hiện đại, vừa qua, sản phẩm rượu Út Tây mang thương hiệu Snor (Xà No) tuy mới ra mắt nhưng đã được người tiêu dùng đón nhận với nhiều nhận xét tích cực. Các sản phẩm rượu của chị thơm ngọt tự nhiên, nồng nàn, đằm thắm và an toàn cho người dùng.
Vào năm 2020, Cơ sở sản xuất rượu thủ công truyền thống Út Tây được Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang tuyên dương là đơn vị điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 - 2020. Cùng thời điểm, tại Đại hội Đảng bộ Hậu Giang năm 2020, bà Võ Thị Phương Trang vinh dự giới thiệu sản phẩm tâm đắc đến Thủ tướng Phạm Minh Chính. Tháng 4/2022, rượu Út Tây trở thành một trong 23 sản phẩm được trao giải trong Hội thi bình chọn sản phẩm OCOP tiêu biểu Vùng đồng bằng Sông Cửu Long.
Bằng sự tận tụy và nỗ lực không ngừng, truyền thống gia đình, câu chuyện khởi nghiệp của chị Trang là nguồn cảm hứng cho nhiều thanh niên khởi nghiệp tại địa phương Hậu Giang; là thông điệp sâu sắc giúp thế hệ trẻ nhận ra tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy nghề truyền thống, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển xã hội và hội nhập quốc tế.