Tăng trưởng kinh tế - xã hội Bến Tre 6 tháng đầu năm 2021
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Thống kê Bến Tre
Ngày 29/6/2021, tại Cục Thống kê Bến Tre, phường An Hội, thành phố Bến Tre, ông Nguyễn Tiến Dũng - Cục Trưởng Cục Thống kê đã chủ trì buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre năm 2020; tham dự buổi họp có khoảng hơn 20 đại biểu đại diện cho các sở ngành tỉnh và đại diện các cơ quan truyền thông.
Việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, các hoạt động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp chưa có sự phục hồi đáng kể; giá nông sản giảm mạnh, thị trường không ổn định; người dân hạn chế mua sắm, sức mua tăng chậm. Các công trình đường dây truyền tải điện chậm tiến độ do gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Mặc dù trong điều kiện không có nhiều thuận lợi, tuy nhiên, với sự tập trung chỉ đạo quyết liệt, sự phối hợp đồng bộ của các ngành, các cấp, tình hình kinh tế - xã hội đã đạt được một số kết quả nhất định như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá so với với nhiều năm qua và đứng thứ 2/13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (đứng sau tỉnh Bạc Liêu, tăng 7,17%); giá trị sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và kim ngạch xuất khẩu có sự tăng trưởng khá so với cùng kỳ; tình hình hạn mặn được kiểm soát, các giải pháp ứng phó được triển khai đồng bộ, hiệu quả và quy tụ được sức mạnh của toàn xã hội; công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 được tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ; công tác cải cách hành chính và cải cách công vụ chuyển biến tích cực.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 ước tăng 6,47% so cùng kỳ năm trước. Cụ thể từng khu vực như sau:
Khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản
Khu vực I có sự phục hồi và tăng trưởng đáng kể (tăng trưởng 7,29%). Giá trị tăng thêm ở khu vực này theo giá so sánh ước đạt 5.705 tỷ đồng, tăng 7,29% so cùng kỳ
Khu vực công nghiệp – xây dựng
Tình hình sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp CN-TTCN còn gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì được tăng trưởng tích cực, lĩnh vực đầu tư xây dựng của tỉnh Bến Tre đã có những chuyển biết rất tích cực và có những đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng chung của toàn khu vực.
Giá trị tăng thêm ở toàn khu vực này đạt mức tăng trưởng khá, ước 3.337 tỷ đồng, tăng 7,64%, trong đó, công nghiệp ước đạt 2.525 tỷ đồng, tăng 7,9%
Khu vực dịch vụ
Thời gian qua, dịch Covid-19 trong nước có diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở kinh doanh, nhu cầu thị trường trong nước và thế giới giảm mạnh, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của địa phương.
Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, thương mại trên địa bàn tỉnh đã ứng phó, thích nghi với tình hình mới. Giá trị tăng thêm theo giá so sánh ở khu vực này ước đạt 6.570 tỷ đồng, tăng 5,36% so với cùng kỳ.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh tăng khá so cùng kỳ năm trước: bia đóng lon tăng 68,95%; cơm dừa nạo sấy tăng 20,90%; thuốc lá có đầu lọc tăng 73,71%; giày dép tăng 20%; giấy và bìa khác tăng 10,36%; thùng hộp bằng bìa cứng tăng 30,10%; điện thương phẩm tăng 11,92% so cùng kỳ năm trước.
Các biểu đồ minh họa
Dự báo trong thời gian tới tình hình dịch bệnh Covid – 19 sẽ tiếp tục có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để quyết tâm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra, ngành công thương tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra ngay từ đầu năm và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đảm bảo “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình hiện nay.
Thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình hoạt động của doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để đa dạng hóa hình thức hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển mạnh thương mại điện tử.
Tập trung triển khai thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp chủ lực, lực lượng doanh nghiệp của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn 2030; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng phát triển ngành công nghiệp chế biến, nhất là chế biến tôm, thủy hải sản; tiếp tục nghiên cứu mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác tốt tiềm năng thị trường nội địa./.