BDK - Năm 2023, được xác định là năm đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện. Tại tỉnh, với quá trình CĐS ngày càng mạnh mẽ, độ “phủ sóng” của hình thức thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong giao dịch, mua sắm đang dần trở nên phổ biến và được đông đảo người dân ưu tiên lựa chọn, từng bước hình thành thói quen người tiêu dùng từ thành thị đến nông thôn, từ siêu thị, nhà hàng đến chợ truyền thống.
“Ví da” thành “ví điện tử”
Người dân từng bước hình thành thói quen thanh toán không dùng tiền mặt khi mua sắm.
Dọc theo “Tuyến đường không dùng tiền mặt” Đại lộ Đồng Khởi và đường Nguyễn Đình Chiểu (vòng xoay Tân Thành - vòng xoay An Hội - cầu Cá Lóc) tại TP. Bến Tre có hơn 320 cơ sở kinh doanh. Trong số đó, có gần 90% cơ sở kinh doanh chấp nhận các phương thức TTKDTM. Điều đó có nghĩa, khi mua sắm hàng hóa, dịch vụ tại các cơ sở kinh doanh trên tuyến phố này, người dân hoàn toàn có thể sử dụng các dịch vụ TTKDTM để tự trải nghiệm được những lợi ích của việc TTKDTM mang lại.
Anh Nguyễn Minh Chí - chủ tiệm chuyên sửa xe gắn máy trên Đại lộ Đồng Khởi, Phường 4, TP. Bến Tre cho biết, khoảng nửa năm nay, khách hàng của anh thường yêu cầu chuyển khoản để thanh toán, bởi khách sửa xe, thủng lốp… nhiều khi không đem sẵn tiền trong người, vì vậy, tôi đã tìm hiểu cập nhật công nghệ số TTKDTM.
Chỉ tay về mã QR được dán ở vị trí dễ nhìn nhất cửa tiệm, anh Chí giải thích, trong việc thanh toán, trước đây người chuyển tiền cần chọn ngân hàng đích, gõ đúng địa chỉ, số tài khoản, số tiền, nội dung… Nhưng nhờ QR Code, những thao tác này được mã hóa và gói gọn trong một mã hình vuông nhỏ. Khách hàng chỉ cần quét, hệ thống sẽ làm thay phần việc còn lại, người dùng chỉ cần nhập số tiền cần thanh toán. Rất nhanh và chuẩn xác, khoảng 60% khách hàng trẻ dùng cách thanh toán này khi đến với cửa hàng.
“Nhờ có hình thức thanh toán này, khách hàng của tôi không phải chịu nợ hay nhờ người đến thanh toán hộ, mỗi khi quên mang tiền. Chỉ cần bấm lệnh thanh toán ngay trên điện thoại, tích tắc tiền đã chuyển vào tài khoản, tôi cũng chẳng cần lo kiểm đếm tiền, lo tiền giả hay vất vả tìm tiền lẻ trả lại. Công nhận tiện lợi thật”, anh Chí nói.
Anh Nguyễn Thanh Bình (32 tuổi) ngụ huyện Giồng Trôm cho hay, thanh toán qua mã QR, ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking… đã trở thành thói quen của nhiều người dân, đặc biệt là khách hàng trẻ. Nếu như trước đây, mọi người luôn phải mang theo tiền mặt khi đi ăn uống, mua sắm thì hiện nay chỉ với một tấm thẻ ATM hay điện thoại di động sẽ thanh toán được mọi dịch vụ. Các cửa hàng, quán cà phê, nhà hàng và cả người bán hàng tại chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh đã dần chấp nhận hình thức TTKDTM. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả người bán và người mua. Thậm chí, phần lớn các khoản sinh hoạt chi tiêu trong gia đình anh như tiền điện, tiền nước, tiền mạng Internet… đều được thanh toán qua ứng dụng trên điện thoại.
Xu thế tất yếu
Phó bí thư Tỉnh đoàn Phan Thanh Trẻ thông tin, mô hình “Tuyến phố không tiền mặt” được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Ban Thư ký Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Bến Tre triển khai thực hiện. Hiện, mô hình “Tuyến phố không tiền mặt” đã triển khai thực hiện tại 9/9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Qua triển khai đã vận động, tuyên truyền cho hơn 606 tiểu thương tại các quầy hàng, chuỗi cửa hàng như cà phê, thực phẩm, hàng tiêu dùng, thời trang, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ ăn uống, dịch vụ viễn thông... chấp nhận TTKDTM, với sự đồng hành của 10 ngân hàng và ví điện tử. Qua đó, có hơn 3.100 người dân cài đặt ứng dụng không dùng tiền mặt và thực hiện hàng chục ngàn lượt TTKDTM tại các quầy hàng, chuỗi cửa hàng.
Người dân thanh toán hóa đơn theo hình thức không dùng tiền mặt tại một cửa hàng thời trang trên đại lộ Đồng Khởi, TP. Bến Tre.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Bến Tre, tính đến hết tháng 5-2023, TTKDTM trên địa bàn tỉnh đã tăng 68% về số lượng và 25% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giao dịch qua kênh Internet tăng 128% về số lượng và 26% về giá trị; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng 91% về số lượng và 44% về giá trị. Về mạng lưới thiết bị phục vụ giao dịch thanh toán, trên địa bàn tỉnh có 156 ATM, 883 POS (tăng tương ứng 4% và 6% so với cùng kỳ năm 2022), số lượng giao dịch qua POS tăng 23% so với cùng kỳ năm 2022. Trên địa bàn có hơn 9.000 điểm chấp nhận TTKDTM, trong đó số lượng giao dịch qua phương thức QR Code tăng 322% về số lượng và 107% về giá trị. Đến nay, đã có hơn 1,1 triệu tài khoản thanh toán được mở cho khách hàng, trong đó 10% tài khoản mở trực tuyến eKYC.
Thời gian qua, 100% cơ sở giáo dục, khám chữa bệnh công lập trên địa bàn chấp nhận thanh toán học phí, viện phí không dùng tiền mặt, thực hiện công khai tài khoản của đơn vị và có hướng dẫn cụ thể về thanh toán qua tài khoản, lắp đặt máy POS, mã thanh toán QR Code, phần mềm trên điện thoại di động…; 80,8% số người hưởng chế độ lương hưu, hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần, hưởng trợ cấp thất nghiệp được chi trả qua ATM; tổng số tiền nộp thuế điện tử trong năm 2022 chiếm tỷ lệ 98% tổng số tiền nộp thuế trên địa bàn; tổng số thu ngân sách nhà nước qua ngân hàng trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ 97,2% tổng số tiền thu ngân sách nhà nước.
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn cho biết: Hiện nay, số lượng giá trị TTKDTM gia tăng đáng kể, điều này góp phần hướng tới mục tiêu CĐS xây dựng chính quyền số, xã hội số, kinh tế số.
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn đề nghị, ngành ngân hàng tiếp tục làm tốt vai trò quản lý nhà nước trên lĩnh vực tiền tệ, quản lý các ngân hàng thương mại để triển khai thông suốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước liên quan đến ngành ngân hàng. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; hỗ trợ các hoạt động TTKDTM ngày càng rộng khắp, tạo tính lan tỏa; khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ TTKDTM, đảm bảo tính an toàn.
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn cũng kêu gọi người dân trên địa bàn tỉnh tích cực ủng hộ và tăng cường sử dụng các dịch vụ TTKDTM trong cuộc sống hàng ngày. Từ đó, thay đổi thói quen, nhận thức, hướng đến xây dựng xã hội không dùng tiền mặt, góp phần phát triển đồng bộ chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đưa tỉnh trở thành tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu trong CĐS khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
“Cả hệ thống chính trị cần vào cuộc tuyên truyền, vận động, hưởng ứng chủ trương CĐS, chuyển dần sang TTKDTM. Riêng đối với các đơn vị công nghệ, cần quan tâm đến việc phát triển, nâng cao chất lượng phục vụ, cung cấp các app dễ sử dụng, an toàn, thanh toán thông suốt cho người tiêu dùng. Sở Công Thương chú trọng công tác khuyến khích hộ kinh doanh, doanh nghiệp sử dụng nhiều hơn các dịch vụ TTKDTM; hỗ trợ CĐS cho doanh nghiệp, đặc biệt là trên lĩnh vực thương mại điện tử. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cần đi đầu, gương mẫu hưởng ứng mạnh mẽ TTKDTM. Đẩy mạnh thực hiện chuyển số, TTKDTM trong các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là khối giáo dục, y tế, lao động...”. (Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn) |