Tối 14/11, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh An Giang tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm “200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế (1824 - 2024)” và tưởng niệm 198 năm Ngày mất của bà Châu Thị Tế (1826 - 2024)
Đại biểu tham dự
Tham dự lễ kỷ niệm có:
- Thiếu tướng Nguyễn Minh Triều, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Quân khu 9, Phó Tư lệnh Quân khu 9;
- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang;
- Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng;
- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng
- cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ;
- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang;
- và đông đảo người dân trên địa bàn TP. Châu Đốc.
Nội dung
Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm “200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế (1824 - 2024)” và tưởng niệm 198 năm Ngày mất của bà Châu Thị Tế (1826 - 2024)
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang nhấn mạnh, kênh Vĩnh Tế hình thành tạo điều kiện cho giao lưu kinh tế, góp phần đưa Châu Đốc từ một cứ điểm quân sự từng bước trở thành khu kinh tế đầu mối kết nối với Hà Tiên (Kiên Giang) với Chân Lạp, Vĩnh Thanh, Gia Định. Giai đoạn hiện nay, vai trò của kênh Vĩnh Tế ngày càng được khẳng định.
Công trình này không chỉ giữ vai trò kết nối giao thông thủy bộ giữa các tỉnh trong khu vực mà còn được xem là “kênh mẹ” để hình thành các kênh T5, T4, T3, biến vùng Tứ giác Long Xuyên từ hoang hóa, nhiễm phèn nặng thành vùng sản xuất trù phú, trọng điểm sản xuất lương thực vùng ĐBSCL và của cả nước.
Bạn Huỳnh Thị Kim Ngân, đại diện thế hệ trẻ tỉnh An Giang phát biểu tại buổi lễ
Với lòng thành kính và biết ơn vô hạn, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh An Giang kính cẩn tri ân các bậc tiền nhân đã cống hiến xương máu, sức lực, tài năng, trí tuệ để lại cho con cháu hậu thế công trình kênh Vĩnh Tế mang tầm vóc chiến lược toàn diện, có giá trị to lớn, góp phần cho sự nghiệp mở cõi, giữ đất miền biên viễn Tây Nam của Tổ quốc.
Ông Huỳnh Kim Đỉnh, đại diện Nhân dân tỉnh An Giang có đôi lời phát biểu tại lễ kỷ niệm
Kỷ niệm 200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế (1824 - 2024) là hoạt động thiết thực nhằm tưởng nhớ, tôn vinh công đức của các bậc tiền nhân, đồng thời giáo dục lòng yêu nước, truyền thống lịch sử, văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của vùng đất phương Nam, ghi dấu cho quá trình hình thành tỉnh An Giang (ngày 22/11/1832).
Lịch sử hình thành Kênh Vĩnh Tế
Theo sử liệu triều Nguyễn, vào thời điểm này của 200 năm trước, vua Gia Long có chiếu dụ về hoàn thành kênh đào Vĩnh Tế. Đây là công trình quy mô nhất thời bấy giờ, với chiều dài 91km, rộng 30m, sâu 2,55m, được thi công bằng sức người, trong thời gian 5 năm.
Các tiết mục văn nghệ tại Lễ kỷ niệm
Công trình là minh chứng hùng hồn cho sự sáng tạo, tài tình của người Việt chinh phục thiên nhiên, thể hiện tầm nhìn chiến lược của triều Nguyễn, khẳng định chủ quyền lãnh thổ, khai khẩn vùng đất phương Nam, phát triển kinh tế, bang giao và củng cố sức mạnh quốc phòng miền biên viễn.
Lãnh đạo tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang nhận quyết định xác lập kỷ lục Việt Nam tôn vinh kênh Vĩnh Tế: “Kênh đào thủ công trong khu vực biên giới dài nhất Việt Nam”
Trải qua 2 thế kỷ, kênh Vĩnh Tế giữ vai trò đặc biệt quan trọng trên nhiều phương diện, là tuyến giao thông huyết mạch, kết nối các vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển, giao thương hàng hóa. Đồng thời, đây còn là nơi cung cấp nước ngọt bồi đắp phù sa cho ruộng đồng cả vùng Tứ giác Long Xuyên. Trên hết, kênh Vĩnh Tế đóng vai trò như một tuyến phòng thủ tự nhiên vững chắc bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang và Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng tặng hoa ông Dương Duy Lâm Viên, Tổng Thư ký Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam, Viện trưởng Viện Kỷ lục Việt Nam và bà Nguyễn Thị Quỳnh Ngọc, Tổng Thư ký Tổ chức Kỷ lục Việt Nam