
Website cần được bảo mật để tránh nguy cơ bị tin tặc tấn công, bảo vệ web hoạt động ổn định.
Như thế nào là bảo mật website?

Bảo mật website là một cách chủ website là cá nhân hay doanh nghiệp sử dụng các biện pháp kỹ thuật giúp ngăn chặn tin tặc, bảo vệ dữ liệu, và duy trì hoạt động ổn định của website. Bởi vì, website là tài sản số, nó dễ bị rơi vào tầm ngắm một số đối tượng, nên nếu không bảo vệ, bạn có thể mất dữ liệu khách hàng, bị gián đoạn kinh doanh, hoặc mất uy tín thương hiệu mà mình dày công xây dựng.
Theo thống kê từ các tổ chức an ninh mạng, thì mỗi ngày có khoảng 30.000 website bị tấn công.
Có mấy dạng tấn công website?
Với thời đại công nghệ số, thì website chính là nơi quan trọng để bạn bán hàng, vận hành doanh nghiệp, hỗ trợ khách hàng... nhưng nếu nó đột ngột có sự cố, gián đoạn, thì nó sẽ ảnh hưởng lớn đều lượng khách truy cập, doanh thu, cùng nhiều vấn đề khác.
Dưới đây là một số dạng tấn công website thường gặp như:
Deface

Với những cuộc tấn công deface thì bạn có thể đã từng thấy, những không biết nó là deface thôi. Hacker sẽ hack và thay đổi toàn bộ nội dung trên website theo ý của mình, thậm chí có thể chèn các nội dung xấu, trang nội bộ bị xóa, và trang web bị vô hiệu hóa.
Phá hoại file, cấu trúc
Với cách làm này, hacker sẽ làm hỏng cấu trúc, gây lỗi hệ thống hoặc không truy cập được. Cuộc tấn công kiểu này sẽ thường là để phá hoại các tài nguyên của hệ thống.
DDoS

Đây là một cách tấn công dễ gặp ở những website có hạ tầng thấp, cách làm cũng không quá khó, hacker chỉ cần làm sao cho một website quá tải là được, nghĩa là gửi hàng triệu lượt truy cập giả, khiến cho web bị nghẽn, không thể tiếp nhận những kết nối mới.
Chuyển hướng website
Lúc này, tin tặc sẽ làm cho người đang sử dụng chuyển sang một trang web khác (thường là lừa đảo), hoặc có nhiều mục đích. Có nghĩa là khi bạn gõ địa chỉ một trang web A, mọi thứ đều đúng, những kết quả trả về lại là một trang web B lạ hoắc, không đúng như lúc trước.
Website không bảo mật có tác hại gì?
Website không được bảo mật có những tác hại như:
Giảm uy tín thương hiệu

Một website thường xuyên bị gián đoạn, tải chậm, hoặc hiển thị cảnh báo không đủ bảo mật sẽ khiến khách hàng cảm thấy khó chịu, mất niềm tin. Điều này không chỉ làm giảm truy cập, giảm doanh số bán hàng mà còn ảnh hưởng lâu dài đến hình ảnh và uy tín thương hiệu của bạn cố gắng xây dựng.
Ngược lại, website có đầy đủ thông tin, tải nhanh, hoạt động ổn định, an toàn sẽ giúp khách hàng có thiện cảm và thường xuyên tìm đến.
Không chạy được quảng cáo Facebook Ads, Google Ads
Giống như SEO, các nền tảng quảng cáo lớn như Facebook và Google cũng yêu cầu website đạt tiêu chuẩn bảo mật nhất định. Nếu trang của bạn không không an toàn, không bảo mật bạn có thể không được phê duyệt chiến dịch quảng cáo, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch marketing.
Làm giảm thứ hạng SEO

Google luôn ưu tiên xếp hạng cao cho những website uy tín, có nội dung đúng và hữu ích, đồng thời nó phải an toàn, tốc độ tải trang nhanh và tối ưu trải nghiệm người dùng. Nếu website của bạn không có các giải pháp bảo vệ, dễ bị nhiễm mã độc hoặc bị tấn công, thì rất khó giữ được vị trí cao trên kết quả tìm kiếm. Đặc biệt là đối với doanh nghiệp có chiến lược tập trung vào SEO, thì việc đầu tư vào bảo mật là một điều cần thiết.
Rủi ro rò rỉ dữ liệu
Trong thời đại số, dữ liệu là tài sản quý giá đối với doanh nghiệp. Nếu website không được bảo mật tốt, hacker có thể dễ dàng lấy cắp thông tin nội bộ hoặc dữ liệu khách hàng, đây là điều tối kỵ nhất. Vì nó có thể rò rỉ các kế hoạch, tài liệu mật, dữ liệu của người dùng...gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.
Do đó, bảo vệ dữ liệu trên website là trách nhiệm quan trọng của mọi doanh nghiệp trong thời kỳ số hóa.
Cách bảo mật website hiệu quả
Để giảm thiểu rủi ro và tự tăng cường bảo mật website bạn có thể thử những cách sau:
Phân quyền quản trị

Một website, đặc biệt là các web lớn, có nhiều khách hàng, sản phẩm, tính năng... thường sẽ có nhiều người cùng quản lý, mỗi người sẽ chuyên về một mảng nào đó, quyền sử dụng cũng có thể khác nhau. Khi phân quyền rõ ràng sẽ giúp quản lý hệ thống hiệu quả hơn, hạn chế việc xung đột khi vận hành, cũng như giúp bảo mật tốt hơn bằng cách giới hạn quyền truy cập theo vai trò của từng nhân viên.
Trang bị chứng chỉ SSL cho website
Chứng chỉ SSL (Secure Sockets Layer) là một chứng chỉ kỹ thuật giúp bảo vệ website của bạn bảo mật, an toàn khi truyền dữ liệu từ trình duyệt web đến máy chủ. Khi có SSL giúp khách hàng truy cập cảm thấy yên tâm hơn, vì thông tin của họ an toàn hơn.
SSL còn giúp website tối ưu SEO, Google cũng thích những web có SSL hơn. Bạn có thể đăng ký SSL từ các thương hiệu uy tín như Comodo, Geotrust, Thawte, Digicert,... thông qua các nhà cung cấp tại Việt Nam.
Bảo mật administrator account

Tài khoản quản trị viên hay còn gọi là administrator account là “chìa khóa” quan trọng của website, vì nó có quyền cao nhất, cho phép chỉnh sửa, xóa, hoặc kiểm soát toàn bộ hệ thống. Nên nếu bị lộ tài khoản thì hacker có thể truy cập và toàn quyền trên website gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng, vì kẻ gian có thể xóa dữ liệu, đánh cắp thông tin...Để hạn chế điều này, bạn nên:
- Thay đổi mật khẩu định kỳ
- Sử dụng mật khẩu mạnh và xác thực hai yếu tố
- Giới hạn số lần đăng nhập sai, nếu nhập mật khẩu sai quá 3 lần sẽ tự động khóa không cho đăng nhập nữa...
Thường xuyên backup dữ liệu
Dữ liệu cần phải có chỗ để chứa và thường xuyên backup, nhằm tránh việc bị mất dữ liệu do sự cố bất ngờ. Nếu bị sự cố, bạn cũng có thể khôi phục toàn bộ dữ liệu nhanh chóng. Bạn chỉ cần thiết lập lịch sao lưu định kỳ, lưu bản sao ở những nơi an toàn, như ở máy chủ riêng, hay dịch vụ lưu trữ đám mây. Tùy vào quy mô doanh nghiệp, mà bạn chọn gói dịch vụ backup phù hợp.
Lời kết
Hy vọng qua bài viết này, bạn đã biết tài sản số cần được bảo vệ kỹ lưỡng như thế nào, và có những giải pháp để giúp website luôn trong trạng thái an toàn.